Theo Euromonitor, năm 2010, tổng sản lượng bia tiêu thụ bia tại Việt Nam đạt khoảng 2,4 tỷ lít. Với dân số Việt Nam tại thời điểm đó ước tính vào khoảng 88,5 triệu người, bình quân, mỗi người Việt vào năm 2010 đã uống khoảng 27,1 lít bia.
Người Việt thuộc tốp đầu về uống rượu bia
Cuối năm 2018, sau gần một thập niên, trong khi dân số Việt Nam đạt mức 96,9 triệu người (tăng 9,5% so với năm 2010) thì sản lượng tiêu thụ bia trong cả nước đã tăng tới 62%.
Cụ thể, báo cáo phân tích về ngành đồ uống này của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất thế giới.
Cụ thể, năm 2017, tổng sản lượng tiêu thụ bia trong nước đạt 4 tỷ lít, chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu, và đứng thứ 10 thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản).
Năm 2018, ngành bia trong nước có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất với sản lượng sản xuất ước tính lên đến 4,3 tỷ lít, và sản lượng tiêu thụ cũng ước tính đạt 4,2 tỷ lít bia, mức tăng tương đương so với năm 2017.
Như vậy, tính bình quân trong năm 2018, mỗi người Việt đã tiêu thụ tới gần 43,3 lít bia, thậm chí, nếu chỉ tính người trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi), bình quân mỗi người thuộc nhóm tuổi này đã tiêu thụ tới 86,6 lít bia trong năm vừa qua.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm (CAGR) của thị trường bia Việt Nam đều đạt 8,3%, mức rất cao so với các thị trường khác. Điều này kéo theo quy mô thị trường Việt Nam cũng tăng 15 bậc, từ 25 lên thứ 10 thế giới.
Nghiên cứu mới đây được công bố trên The Lancet cũng cho biết Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản là ba quốc gia có lượng rượu bia tiêu thụ tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2017.
So với năm 2010, vào năm 2017, mức tiêu thụ rượu bia của Việt Nam đã tăng tới gần 90%. Mức tăng này của Việt Nam đứng đầu thế giới, và gấp đôi quốc gia xếp thứ 2 – Ấn Độ, và gấp Mỹ 16 lần.
Ai nắm giữ thị trường bia Việt?
Trong khi nhiều thị trường trên thế giới đã đạt điểm bão hòa thì thị trường tiêu thụ bia và đồ uống có cồn tại Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng vượt dự báo qua từng năm. Điều này khiến hàng loạt “ông lớn” trong và ngoài nước muốn chen chân chiếm một phần trong thị trường tỷ USD này.
Như Heineken, hãng bia đến từ Hà Lan đã để mắt tới thị trường Việt từ năm 1991, và hiện là một trong ba nhà sản xuất chiếm thị phần tiêu thụ lớn nhất với gần 22% (ước tính năm 2017).
Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay hơn 90% thị phần bia Việt Nam đang nằm trong tay 4 nhà sản xuất Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg. Trong khi những thương hiệu lớn của quốc tế gia nhập sau chưa tìm được chỗ đứng như Sapporo, Budweiser…
Việc nắm giữ phần lớn lợi ích trong “miếng bánh ngọt” giúp các nhà sản xuất này thu về hàng chục nghìn tỷ doanh thu mỗi năm.
Như năm 2018, Sabeco ghi nhận tới hơn 36.000 tỷ đồng doanh thu bán hàng, với trên 85% đến từ mảng bán bia. Dù đã giảm nhẹ so với năm 2017 nhưng “ông lớn” này vẫn thu về tới 4.400 tỷ đồng lãi ròng trong năm.
Nhiều năm trước đó, doanh thu của Sabeco liên tục duy trì ngưỡng 30.000 tỷ đồng và lãi ròng liên tục tăng. Bia cũng luôn là nguồn thu chính đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp này với trên 85% tỷ trọng.
Trong khi đó, tại Habeco, dù đã có dấu hiệu đi xuống rõ rệt những năm gần đây, nhưng việc sở hữu 16,7% thị phần (ước tính năm 2017) đủ giúp doanh nghiệp này đạt hơn chục nghìn tỷ doanh thu mỗi năm.
Năm vừa qua, chủ thương hiệu Bia Hà Nội ghi nhận hơn 9.177 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng gần 484 tỷ.
Trong khi đó, với Heineken, chưa bao giờ hãng này công bố kết quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam, nhưng theo số liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam – VIRAC, năm 2016, Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam ghi nhận tới 33.900 tỷ đồng doanh thu.
Nhờ sở hữu 21,8% thị phần chủ yếu thuộc dòng cao cấp đã giúp hệ thống của Heineken thu về tới 11.600 tỷ đồng lợi nhuận tại thị trường Việt, gấp đôi so với số Sabeco đạt được cùng năm đó.
Đại gia ngoại và tham vọng thao túng thị trường bia Việt
Thị trường bia Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp ngoại tham gia từ trước những năm 2000, nhưng hầu hết đều dừng lại ở mức liên doanh với một đơn vị mới và mở nhà máy sản xuất các thương hiệu ngoại, bán ra thị trường.
Đến năm 2008, Carlsberg là hãng bia ngoại đầu tiên gây chú ý khi ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh và trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Habeco với hơn 17% cổ phần sở hữu.
Trong khi, cơ cấu cổ đông của Sabeco, doanh nghiệp sở hữu hơn 50% thị phần khi đó chưa có bất kỳ nhà đầu tư ngoại nào, phần lớn vốn đều thuộc quyền sở hữu của Bộ Công Thương.
Gần một thập niên sau, những thay đổi không chỉ đến ở sản lượng tiêu thụ bia toàn thị trường mà còn đến ở tỷ lệ lợi ích của khối ngoại tại thị trường bia Việt Nam.
Cuối năm 2017, Sabeco đã chính thức về tay người Thái khi tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ Tập đoàn Thaibev chi tới gần 5 tỷ USD để trở thành cổ đông sở hữu 53,59% vốn.
Những nhân sự do vị tỷ phú này đề cử cũng nhanh chóng đảm nhiệm những vai trò chủ chốt tại Sabeco và đang điều hành hoạt động của doanh nghiệp với những bước đi cụ thể.
Trong khi đó, dù chưa thể gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Habeco, nhưng gần một thập niên qua Carlsberg chưa bao giờ giấu ý định muốn “nuốt chửng” ông chủ thương hiệu Bia Hà Nội.
Năm 2012, Habeco từng triệu tập họp ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến về việc bán thêm 13% vốn cho tập đoàn bia của Đan Mạch này nhằm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược từ 17,23% lên 30,23% vốn. Tuy nhiên, kế hoạch bán vốn sau đó đã thất bại vì những mâu thuẫn trong thỏa thuận của hai bên.
Theo Reuters, Carlsberg đã liên tục tiến hành thảo luận về quyền mua ưu tiên với đại điện phía Việt Nam trong nhiều năm qua. Và việc ông chủ Thaibev mua trọn lô 53,59% vốn cổ phần của Sabeco vào cuối năm 2017 càng làm Carlberg có thêm động lực.
Nguồn: Sưu tầm